Theo quy định, các hàng hóa bên ngoài EU khi được nhập khẩu phải khai báo hải quan. Thủ tục hải quan là thủ tục theo đó hàng hóa được trả ra khi hoàn tất khai báo nhập khẩu đi kèm với các chứng từ liên quan và nộp đầy đủ thuế và các nghĩa vụ hải quan khác cho cơ quan hải quan.
1. Bộ chứng từ khi xuất khẩu thủy sản sang EU
Theo quy định của EU, khi thông quan hàng hoá, phải xuất trình cho cơ quan Hải quan tờ khai theo mẫu do hải quan quy định. Những chứng từ cơ bản cho hàng hoá nhập khẩu vào các nước thành viên EU không phụ thuộc vào giá trị lô hàng hay loại hình vận chuyển. Thông thường đối với hàng nhập khẩu vào EU, yêu cầu phải có những chứng từ cơ bản sau:
- Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice):
Cần ghi rõ chính xác thông tin: nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, ngày xuất hóa đơn, số hóa đơn, miêu tả hàng hóa, điều kiện giao hàng và các chi tiết cần thiết, nhằm xác định đúng tất cả giá trị hàng, cước phí và bảo hiểm;
- Tờ khai hải quan (Single Administrative Document - SAD):
Tờ khai hải quan được đệ trình bằng tài liệu hành chính tiêu chuẩn dạng SAD (Single Administrative Document), đây là mẫu hồ sơ chung cho tất cả các Quốc gia thành viên EU theo Bộ luật Hải quan của Liên minh và Đạo luật được ủy quyền chuyển tiếp (Quy định EU 2016/3415 ngày 17/12/2015) trong khi môi trường hải quan điện tử được triển khai đồng bộ.
- Vận đơn (Bill of Lading):
Cần có bản sao vận đơn (hoặc vận đơn hàng không) để làm thủ tục hải quan. Người nhận hàng thường cần có vận đơn gốc để thông quan nhập khẩu.
- Giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin – C/O):
Khi người nhập khẩu yêu cầu hoặc quy định bắt buộc đối với một số mặt hàng nhất định. Các hàng hoá được hưởng GSP phải có giấy chứng nhận xuất xứ mẫu A “C/O form A”. Đối với xuất khẩu hàng hóa theo EVFTA cần chứng nhận xuất xứ C/O EUR1.
- Phiếu đóng gói (Packing list):
Là một chứng từ thương mại kèm theo hóa đơn thương mại và chứng từ vận tải, cung cấp thông tin về mặt hàng nhập khẩu và chi tiết đóng gói của từng lô hàng.
- Giấy phép nhập khẩu (Import License):
Theo quy định của EU, giấy phép nhập khẩu là cần có đối với hầu hết các mặt hàng nông sản, thực phẩm, sắt, thép, nhôm, vũ khí, hóa chất, dược phẩm.
- Giấy chứng nhận bảo hiểm hàng hóa (Insurance Certificate):
Chỉ phải xuất trình nếu thông tin về phí bảo hiểm không được thể hiện trong hóa đơn thương mại.
- Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (Phytosanitary Certificate):
Giấy chứng nhận này xác nhận rằng sản phẩm rời khỏi nước xuất khẩu trong tình trạng khỏe mạnh. Cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu phải kiểm tra sản phẩm để đảm bảo rằng sản phẩm đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm.
- Giấy chứng nhận vệ sinh (Sanitary Certificate):
Các nước thành viên EU yêu cầu phải có giấy chứng nhận vệ sinh đối với các mặt hàng có nguồn gốc từ sản phẩm động vật bất kể sản phẩm này có dùng cho người hay không. Giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp, đi kèm với các lô hàng xuất khẩu. Điều này là bắt buộc đối với tất cả các sản phẩm thủy hải sản. Thủy sản dành cho thị trường EU thường được kiểm tra trước khi vận chuyển, có thể trong phòng thí nghiệm của chính người mua, hoặc trong các phòng thí nghiệm được công nhận (độc lập).
- Và một số chứng từ, tài liệu khác tùy thuộc vào loại hàng hóa nhập khẩu hoặc các ưu đãi được hưởng.
Xem thêm: Thuế phí Việt Nam áp dụng khi nhập khẩu hàng hóa từ Đức
2. Điều kiện thông quan mặt hàng hải sản khi nhập cảnh vào EU
Khi hàng thủy hải sản đến cơ quan hải quan nhập cảnh vào EU, hàng hóa được đưa vào kho tạm giữ dưới sự giám sát của hải quan (không quá 90 ngày) cho đến khi được thực hiện một trong các thủ tục hải quan sau (hoặc tái xuất):
Phát hành thủ tục lưu thông tự do (Release for free circulation). Mục đích của việc phát hành thủ tục lưu thông tự do là hoàn thành tất cả các thủ tục nhập khẩu để hàng hóa có thể được bán trên thị trường Liên minh.
- Hàng hóa được đưa đi tiêu thụ khi đã đáp ứng tất cả yêu cầu nhập khẩu:
- Tất cả loại thuế quan hiện hành và khoản phí khác đã được thanh toán.
- Đã xuất trình giấy phép nhập khẩu đối với hàng hóa theo hạn ngạch.
- Tất cả các giấy phép và giấy chứng nhận hiện hành (ví dụ: giấy chứng nhận thú y cho một số động vật hoặc sản phẩm động vật) đã được xuất trình.
Hàng hóa nhập khẩu được làm thủ tục khai báo hải quan. Ngày mà tờ khai này được cơ quan hải quan ở một nước EU chấp nhận cũng là ngày được tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu có.