Chỉ trong hai tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2024, cước vận tải biển từ cảng ở TPHCM đi EU đã tăng ba lần, từ 2.950 USD lên 7.350 USD đối với mỗi container loại 40 feet. Dự báo cho thấy giá cước vận chuyển container sẽ tăng mạnh đến cuối năm. Cước tàu biển đã tăng đột biến, lên đến 100% trên tất cả các tuyến, đặc biệt là các tuyến đi Mỹ và EU. Tuy nhiên, việc tìm được chỗ trên những chuyến tàu này đối với các nhà xuất khẩu đang trở nên khó khăn. Vậy nguyên nhân của tình hình này là gì?
Nguyên nhân tăng giá cước vận chuyển đường biển
Xung đột vũ trang tại Biển Đỏ
Nguyên nhân của sự tăng giá cước vận tải trong thời gian vừa qua, do thị trường bị ảnh hưởng bởi tình trạng xung đột vũ trang tại Biển Đỏ dẫn đến tàu thuyền phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, hành trình tàu phải kéo dài hơn 10-14 ngày so với trước; sự tắc nghẽn cục bộ tại cảng Singapore (cảng container có sản lượng lớn thứ 2 thế giới) dẫn đến tàu thuyền phải chờ đợi.
Đồng thời, theo báo cáo của các hãng tàu, sản lượng hàng hoá từ Trung Quốc đi châu Mỹ tăng cao trong vài tháng trở lại đây và dự báo tiếp tục tăng đến tháng 8/2024, nhu cầu hàng hóa tăng cao trong khi hành trình tàu biển bị kéo dài dẫn đến giá cước bị đẩy tăng cao đột biến.
Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ
Nguyên nhân của vấn đề này là do Mỹ áp thuế mạnh lên nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc kể từ tháng 8/2024. Nên các nhà xuất khẩu Trung Quốc và cả nhập khẩu của Mỹ muốn đẩy mạnh việc xuất nhập khẩu trước thời hạn trên nhằm tránh bị đánh thuế. Phía các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã trả giá cao hơn để lấy chỗ trên tàu. Thời điểm hiện tại, Trung Quốc sẵn sàng trả 1.000 USD cho 1 chỗ trên tàu, trong khi Việt Nam chỉ sẵn sàng trả 600 USD, nên không thể cạnh tranh. Vì thế hãng tàu sẽ ưu tiên xử lý khối lượng hàng hóa có nguy cơ bị áp thuế cao đang tồn tại của Trung Quốc ở Cảng Singapore và Dubai, điều này gây nên tình trạng thiếu tàu ở các tuyến khác cũng như các thị trường nhỏ.
Giải pháp nào cho doanh nghiệp khi cước tàu tăng mạnh
Trước đây, các hãng tàu báo giá cước cho thời gian 15 ngày đến một tháng, còn bây giờ chỉ báo giá theo tuần, thậm chí thay đổi ngay trong ngày.
Việc cước tàu tăng quá nhanh khiến các doanh nghiệp gặp khó trong thời gian tới, có thể phải tạm ngưng xuất khẩu với những đơn hàng kém quan trọng, hoặc xin giãn thời gian giao hàng.
Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phú Sinh Group, Giải pháp tình thế hiện nay là nỗ lực tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để bán thêm hàng, có thêm đối tác; đàm phán với khách hàng theo giá mới. Còn trong nước cũng buộc phải tăng giá, nhiều mặt hàng tăng giá 40%. Đầu vào đã tăng 300% rồi nên dù không muốn cũng phải tăng bởi không còn cách nào khác
Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh khích lệ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình và diễn biến tại Biển Đỏ. Từ đó, họ có thể chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp, trao đổi với các đối tác bán hàng; nếu cần, họ có thể mở rộng thời gian đóng gói và giao nhận hàng hóa. Đây là một giải pháp tạm thời nhằm thích nghi nhanh chóng với cuộc khủng hoảng hiện tại.
“Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Mục tiêu là giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường cố định; cùng lúc đó, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp cùng ngành để chia sẻ chi phí vận chuyển, thương lượng giá cước vận chuyển tốt hơn với các công ty tàu biển; tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp cũng cần chủ động áp dụng khoa học và công nghệ để giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; chủ động áp dụng các giải pháp logistics hiệu quả, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để giảm thiểu tác động của việc cước vận tải biển tăng cao”, đại diện Sở Công thương nói.